Mục lục
Ngành cơ khí bao gồm những gì?
Công nghệ cơ khí hay còn được gọi là ngành kỹ thuật cơ khí. Đây là một ngành ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các sản phẩm máy móc, thiết bị và những vật dụng có tính hữu ích cho con người. Những người làm công việc chế tạo ra máy móc, thiết bị thì được gọi là kỹ sư cơ khí.
Ngành cơ khí bao gồm các chuyên ngành: động học, động lực dòng chảy, khí động học, tĩnh học, sức bền vật liệu, truyền nhiệt, cơ học vật rắn, chuyển động học và các ứng dụng nhiệt động lực học.
Công nghệ cơ khí là công việc có liên quan đến việc tạo ra các giá lập mô phỏng hoạt động dựa trên các nguyên lý nhiệt động lực học, định luật bảo toàn khối lượng và năng lượng. Từ đó, các kỹ sư công nghệ cơ khí sẽ phân tích các hệ vật lý tĩnh và động nhằm mục đích thiết kế, sửa chữa các chi tiết máy móc cho máy bay, ô tô và các phương tiện khác, vũ khí, hệ thống gia nhiệt, làm lạnh, máy móc phục vụ sản xuất và trong các thiết bị đồ gia đình…
Công việc của một kỹ sư cơ khí là làm gì?
Vậy công việc của kỹ sư cơ khí là gì? Thường thì những người làm trong lĩnh vực cơ khí sẽ làm các công việc sau:
– Đảm nhiệm nhiều công việc từ thiết kế đến chế tạo, thử nghiệm, phát triển sản phẩm mới. Lắp đặt, hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị.
– Phụ trách lên ý tưởng, phân tích và trình bày về dự án. Đánh giá sự cạnh tranh của các thiết bị, máy móc trên thị trường.
– Quản lý dự án về thiết bị, máy móc để đảm bảo tiến độ cũng như hiệu suất hoàn thành công việc. Giám sát việc sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mẫu.
– Đo lường, kiểm tra khả năng vận hành, hoạt động của các thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất. Phân tích dữ liệu kỹ thuật để hạn chế tối đa những sự cố, sai sót có thể xảy ra trong quá trình vận hành.
– Làm việc với các nhà cung ứng máy móc, thiết bị để tìm được những linh kiện tốt nhất với mức giá hợp lý.
– Bán hàng, tư vấn, hướng dẫn về cách hoạt động, vận hành của thiết bị, máy móc.
Cơ hội việc làm và mức lương của kỹ sư cơ khí là bao nhiêu?
Kỹ thuật cơ khí được biết đến là ngành mũi nhọn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo thống kế của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động tại TP.HCM thì nhóm ngành Cơ khí – Luyện kim – Công nghệ ô tô đang ở vị trí dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng với thị phần chiếm hơn 25%.
Với tốc độ phát triển như hiện nay thì có thể khẳng định rằng, nhu cầu nhân lực ngành cơ khí trong các nhà máy, xí nghiệp sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong tương lai. Điều này sẽ mở ra cho người lao động thuộc ngành này có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.
Chính vì nhu cầu nhân sự vô cùng lớn nên kỹ sư cơ khí hiện nay đang rất khan hiếm. Vì vậy, mức lương của kỹ sư cơ khí hiện nay cũng khá tốt. Theo tìm hiểu của Careerlink.vn, tùy thuộc vào vị trí/chức danh, kinh nghiệm và năng lực làm việc, nhiệm vụ công việc, quy mô doanh nghiệp… mà mức lương của kỹ sư cơ khí sẽ có sự khác nhau. Cụ thể:
– Đối với kỹ sư cơ khí vừa mới tốt nghiệp ra trường chưa có kinh nghiệm: mức lương sẽ dao động từ 8 – đến 10 triệu đồng/ tháng.
– Đối với kỹ sư cơ khí trình độ cao, có kinh nghiệm 3-5 năm: mức lương dao động từ 8-15 triệu đồng/ tháng.
– Đối với kỹ sư cơ khí trình độ cao, có kinh nghiệm trên 5 năm, thành thạo ngoại ngữ, có kinh nghiệm quản lý: mức lương dao động từ 20 triệu đồng/ tháng trở lên.
Ngoài ra, các kỹ sư cơ khí làm việc cho các công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ cao hơn.
Yêu cầu để trở thành kỹ sư cơ khí là gì?
Để trở thành một kỹ sư cơ khí thì bạn cần phải đáp ứng được những tiêu chí dưới đây:
Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí
Tiêu chí đầu tiên để trở thành kỹ sư cơ khó thì bạn phải tốt nghiệp Đại học các trường chuyên ngành. Hiện nay, ngành cơ khí đang được đào tạo tại nhiều trường Đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách Khoa TP HCM, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Công nghiệp Hà Nội…
Có niềm đam mê với máy móc, kỹ thuật
Bất kể bạn làm công việc nào đều cần có lòng đam mê với công việc. Chỉ riêng đó thôi cũng đã có thể giúp bạn hoàn thành 80% công việc. Và ngành cơ khí cũng vậy, để theo học ngành này trước tiên bạn cần phải có lòng đam mê mới máy móc, thiết bị.
Vì kỹ thuật là một ngành cần sự tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo theo nguyên lý nên khá khô khan nên nếu không có ý chí và sự say mê thì chắc chắn bạn không thể theo đuổi được. Có yêu nghề bạn mới có thể vượt qua mọi khó khăn và dành trọn tâm huyết với công việc.
Có tính cẩn thận tinh thần trách nhiệm cao
Yếu tố quan trọng khi bạn làm mọi công việc, dù là dễ hay khó đó là tính cẩn thận và có trách nhiệm cao. Đặc biệt đối với nghề cơ khí thì những đức tính này lại càng quan trọng.
Đặc trưng của kỹ sư cơ khí là cần độ chính xác cao, do đó nếu bạn có tính cẩu thả, thiếu trách nhiệm với công việc sẽ dẫn đến những sai sót gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì với máy móc, chỉ cần một trục trặc nhỏ có thể làm ảnh hưởng đến cả một quá trình, một dây chuyền làm việc.
Siêng năng, cần cù, tỉ mỉ
Có thể nói làm cơ khí là công việc khá vất vả vì hàng ngày phải tiếp xúc với máy móc, thiết bị, những chi tiết, linh kiện lắp ráp rất nhỏ, phức tạp… Vậy nên để gắn bó với công việc này bạn cần phải có sự siêng năng, cần cù, tỉ mỉ thì mới hoàn thành tốt công việc.
Có tinh thần hợp tác và làm việc nhóm
Giống như nhiều nghề khác thì làm kỹ sư cơ khí cũng đòi hỏi có sự góp sức của nhiều người. Vậy nên, bạn cần phải có tinh thần hợp tác, đoàn kết, cùng đồng nghiệp đưa ra những ý kiến, đóng góp nhằm mục đích hoàn thành công việc một cách tốt nhất.