Ngành công nghiệp cơ khí tỷ “đô” vẫn ngụp lặn trong khó khăn
Công nghiệp cơ khí là ngành có rào cản gia nhập thị trường lớn đòi hỏi nhiều vốn, đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài, vốn luân chuyển chậm… Nhiều chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp cơ khí đã được nêu ra trong Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam diễn ra ngày 24/9.
Vẫn ngụp lặn trong khó khăn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 25.014 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.465.008 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1.123.545 lao động, chiếm gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo.
Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành về ngành chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam… Bên cạnh đó, ngành cơ khí cũng đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực.
Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng ngành cơ khí Việt còn yếu kém. Cụ thể, sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cơ khí nội địa rất khó trở thành nhà thầu phụ cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án đầu tư lớn được triển khai nhiều trong giai đoạn vừa qua (ngành nhiệt điện, thép, hóa chất, hạ tầng giao thông…).
Tính đến hết năm 2017, mặc dù tỷ lệ số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành cơ khí trên tổng số doanh nghiệp các ngành chế biến chế tạo khá cao (gần 30%), tuy nhiên tỷ lệ giá trị doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm (giảm hơn 18%).
Điều này chứng minh hiệu quả đầu tư của toàn ngành cơ khí nhìn chung chưa cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng cho phát triển công nghiệp. Các phân ngành cơ khí quan trọng như: thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông–lâm–ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu thủy, thiết bị kỹ thuật điện – điện tử và cơ khí ôtô – cơ khí giao thông vận tải đạt kết quả thấp so với Chiến lược phát triển ngành cơ khí đã đề ra.
Nguyên nhân của những hạn chế trên do công nghiệp cơ khí là ngành có rào cản gia nhập thị trường lớn. Đây là những rào cản của tự nhiên do đặc thù của ngành như: đòi hỏi nhiều vốn, đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài, vốn luân chuyển chậm; đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, người lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật lao động; sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác.
Trong thời gian qua, các điều kiện kinh tế – xã hội khách quan cũng như chủ quan của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi cho việc phát triển ngành.
Nhiều ưu đãi cho ngành cơ khí
Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng cần có chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm phát triển ngành cơ khí như phát triển thị trường; hỗ trợ tín dụng; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào cho các dự án cơ khí trọng điểm; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ mua bán, sáp nhập cho các doanh nghiệp trong ngành cơ khí; hỗ trợ cho các dự án sản xuất lớn trong ngành sản xuất, lắp ráp ôtô….
Bộ trưởng cũng đề cập đến các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai để phát triển ngành cơ khí. Ngoài ra, còn có các giải pháp như hoàn thiện việc xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ vượt trội thu hút đầu tư nước ngoài cho các ngành cơ khí; phát triển công nghiệp hỗ trợ; cải thiện môi trường đầu tư và xúc tiến đầu tư các ngành cơ khí…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ngành cơ khí là “bánh đà” tạo động lực phát triển cho nhiều ngành kinh tế cũng như động lực tăng trưởng cho đất nước. Để nền kinh tế có thể chuyển dịch cơ cấu nhanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tránh bẫy thu nhập trung bình, tạo việc làm và phát triển bền vững, không thể không có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển, mà trong đó ngành cơ khí đóng vai trò rất quan trọng.
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc chỉ ra những hạn chế của chính sách hiện hành liên quan đến phát triển thị trường, hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn vay; các quy định về thuế, đặc biệt là quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu sản xuất; các quy định về, đất đai, môi trường… Những hạn chế này cần phải được giải quyết dứt điểm, trong thời gian sớm nhất nhằm tạo môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp ngành cơ khí. Các chính sách khi xây dựng cần tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng xã hội quan tâm đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhiều hơn.